
Tháp Bà Ponagar - Quần thể kiến trúc Chăm Pa cổ huyền bí
Bên cạnh vẻ đẹp biển cả, Nha Trang còn ẩn chứa di tích lịch sử, văn hóa vô cùng đặc sắc, đó chính là tháp Bà Ponagar. Khi du lịch Nha Trang, bạn hãy thử một lần đổi gió, tìm về chốn linh thiêng cổ kính, nơi những ngọn tháp rêu phong kể lại câu chuyện ngàn năm của vương quốc Chăm Pa cổ kính. Hãy cùng DonaTourist khám phá những điều đặc biệt tại tháp Bà Ponagar, cảm nhận sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang nằm ở đâu?
Tháp Bà Ponagar là quần thể kiến trúc Chăm Pa cổ kính nằm trên đỉnh đồi tại cửa sông Cái Nha Trang, cách trung tâm thành phố 2km về phía Bắc. Nơi đây là di tích lịch sử, minh chứng cho sự rực rỡ của nền văn hóa Chăm Pa và sự ảnh hưởng sâu sắc của Hindu giáo.
Địa chỉ: 61 đường Hai Tháng Tư, Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa.

Tháp bà Ponagar mấy giờ đóng cửa? Giá vé tháp Bà Ponagar 2025
Tháp Bà Ponagar mở cửa đón khách tham quan từ 6h00 sáng đến 17h30 chiều hàng ngày. Giá vé tham quan khoảng 30.000 VNĐ/khách/lượt, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ quần thể kiến trúc Chăm Pa, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vùng đất này.
Lịch sử tháp bà Ponagar Nha Trang
Mang tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar, tháp Bà Ponagar được xây dựng để tôn thờ nữ thần Po Ina Nagar. Vị thần này được người Chăm Pa tôn kính như Mẹ Xứ Sở, người đã khai sinh ra trái đất, ban tặng cây cối, lúa gạo, bảo vệ con người khỏi thiên tai và mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tháp Ponagar biểu tượng văn hóa Chăm Pa rực rỡ tại Nha Trang, ẩn chứa câu chuyện lịch sử đầy thăng trầm. Ban đầu, ngôi tháp gỗ được dựng lên để tôn thờ nữ vương Jagadharma, người trị vì Lâm Ấp. Sau đó, vua Prithi Indravarman đã cho xây dựng lại ngôi tháp bằng vật liệu kiên cố hơn, đặt tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.
Trải qua bao biến động, tháp Bà Ponagar đã bị quân Nam Đảo tàn phá vào năm 774, sau đó được vua Satyavarman tái thiết vào năm 784. Tiếp nối, các vị vua Harivarman I và Vikrantavarman III góp phần tô điểm thêm cho quần thể kiến trúc này bằng việc xây dựng thêm 5 ngọn tháp.
Những dấu tích còn sót lại, đặc biệt là mandapa có niên đại trước năm 817 và ngọn tháp chính được xây dựng vào thế kỷ XI đã thể hiện nền văn minh Chăm Pa hùng mạnh. Cho đến ngày nay, tháp Bà Ponagar vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm.
Kiến trúc độc đáo, tinh xảo cùng những bí ẩn chưa được giải đáp đã khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những giá trị vô giá đó đã được ghi nhận bằng việc xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1979, khẳng định vị thế của tháp Ponagar là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Nha Trang và Việt Nam.

Đường đi tháp Bà Ponagar Nha Trang
Tháp Ponagar chỉ cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 3km rất thuận tiện cho việc di chuyển. Để đến đây, bạn có thể lựa chọn xe máy hoặc taxi. Tuyến đường dễ đi nhất là:
- Xuất phát từ đường Trần Phú, đi thẳng đến cầu Trần Phú.
- Di chuyển qua cầu, sau đó rẽ trái vào đường tháp Bà.
- Đi thẳng đến cuối đường, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn lớn vào tháp Bà Ponagar.
Nên ghé thăm tháp bà Ponagar thời điểm nào?
Thời điểm đẹp nhất để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của tháp Bà Ponagar là từ tháng 4 đến tháng 6. Lúc này, Nha Trang rực rỡ của nắng, bầu trời trong xanh, ít mưa, thích hợp cho những chuyến tham quan và khám phá.
Kiến trúc độc đáo tại tháp bà Ponagar
Tháp Bà Ponagar thu hút hơn 160.000 lượt khách mỗi năm. Dù biển cả vẫn là "thỏi nam châm" hút khách nhưng tháp Bà Ponagar vẫn khẳng định sức hút riêng biệt nhờ kiến trúc Chăm Pa cổ kính, được xây dựng từ hơn 10 thế kỷ trước. Ngôi tháp sở hữu 3 tầng tháp, 4 ngọn tháp lớn, mỗi chi tiết đều được chạm khắc tinh xảo, thể hiện tài năng của những nghệ nhân Chăm Pa xưa. Những viên gạch nung đỏ au nhuốm màu thời gian gợi lên cảm giác hoài niệm về thời kỳ vàng son của lịch sử.

Kết cấu chính của tháp Ponagar
Bước chân vào tháp Bà Ponagar, du khách được lạc vào thế giới cổ kính, nơi những dấu ấn kiến trúc Chăm Pa in đậm trên từng phiến gạch. Tháp được chia thành bốn khu vực chính mang vẻ đẹp và ý nghĩa riêng biệt:
Khu tháp cổng
Để vào tháp Bà Ponagar, bạn sẽ đi qua khu vực tháp cổng, nơi từng là cổng chào hoành tráng. Dù không còn nguyên vẹn, bạn vẫn có thể thấy những dấu tích kiến trúc cổ xưa. Những cột trụ và bậc thang đá rêu phong dẫn lối đến khu tiền đình, gợi lên vẻ đẹp trầm mặc của một thời đã qua.

Khu tiền đình (Mandapa)
Khu tiền đình được xây dựng từ gạch nung, nơi du khách có thể cảm nhận rõ nét nhất không gian linh thiêng của tháp Bà. Khu Mandapa gồm 10 cột trụ lớn được bao quanh bởi 12 cột trụ nhỏ tạo thành hình bát giác độc đáo. Theo các nhà nghiên cứu, đây là nơi người dân chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên nữ thần, thể hiện lòng thành kính và biết ơn.

Khu đền tháp
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của 4 ngọn tháp Chăm Pa còn nguyên vẹn. Dấu vết thời gian còn lưu lại ở hai nền móng tháp, nhắc nhở về quần thể kiến trúc hùng vĩ từng tồn tại. Mỗi ngọn tháp mang vẻ đẹp riêng, tuy cùng phong cách thiết kế nhưng khác biệt về kích thước và không gian bên trong. Cả 4 tháp đều có 4 cửa hướng ra 4 hướng: Tháp Đông Bắc (23m), tháp Nam (18m), tháp Tây Bắc (9m), tháp Đông Nam (7.1m). Nhưng hiện tại chỉ có cửa phía Đông mở cửa đón khách tham quan.
Những họa tiết chạm khắc hình linh vật và thần linh trên tường tháp thể hiện rõ văn hóa tâm linh đặc sắc của người Chăm. Ngay phía sau quần thể tháp là dòng suối khoáng nóng tháp Bà, du khách có thể thư giãn với dịch vụ tắm bùn và tắm khoáng, xua tan mệt mỏi sau hành trình khám phá.

Khu bia lý
Tháp Bà Ponagar còn là bảo tàng lịch sử lưu giữ những tấm bia đá quý giá. Mỗi tấm bia ghi dấu những mốc son quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của di tích này.
- Tấm bia cổ xưa nhất: Được người Chăm Pa cổ dựng nên, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa. Năm 1856, nội dung được Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn Phan Thanh Giản chuyển ngữ sang chữ Hán - Nôm, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc.
- Tấm bia tình hữu nghị: Lập năm 1871 bởi 8 vị quan Khánh Hòa và Bình Thuận, biểu tượng của tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa hai vùng đất.
- Tấm bia huyền thoại: Dựng năm 1972, dịch câu chuyện về nữ thần Po Ina Nagar sang chữ quốc ngữ giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về nguồn gốc và truyền thuyết của tháp Bà.
- Tấm bia hiện đại: Lập năm 2010, giới thiệu tổng quan về di tích tháp Bà Ponagar, cung cấp thông tin cho du khách và góp phần bảo tồn giá trị di sản.

Những lễ hội đặc sắc tại tháp bà Ponagar
Hằng năm, từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch, tháp Ponagar lại rộn ràng trong không khí lễ hội trang trọng và linh thiêng. Đây là dịp để người dân địa phương và du khách thập phương bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính sâu sắc đối với nữ thần Ponagar.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian tâm linh huyền bí, chiêm ngưỡng những nghi lễ truyền thống và cảm nhận sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Không chỉ có các nghi lễ trang trọng, lễ hội còn mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa dân gian đặc sắc: Múa bóng, đọc kinh cầu an, múa lân,...
Đọc thêm: Ghé thăm hòn Tre Nha Trang khám phá “vạn” trải nghiệm
Một số địa điểm tham quan gần tháp Ponagar
Bạn có thể lựa chọn tháp Bà Ponagar làm điểm khởi đầu cho hành trình khám phá Nha Trang đầy thú vị. Hãy kết hợp chuyến viếng thăm tháp Bà với những điểm đến hấp dẫn:
- VinWonders Nha Trang: Chỉ cách tháp Bà khoảng 15 phút di chuyển, VinWonders là thế giới giải trí đầy màu sắc với 6 phân khu chủ đề độc đáo, từ những trò chơi cảm giác mạnh đến các show diễn nghệ thuật đẳng cấp.
- Suối khoáng nóng Tháp Bà: Sau khi khám phá Tháp Bà, hãy nuông chiều bản thân với những liệu pháp thư giãn tại suối khoáng nóng. Ngâm mình trong bùn khoáng, tắm suối nóng, massage trị liệu,... là cách tuyệt vời để phục hồi năng lượng và tận hưởng sự thư thái.
- Tháp Trầm Hương: Biểu tượng của thành phố biển Nha Trang, tháp Trầm Hương sở hữu kiến trúc độc đáo, vừa là công trình nghệ thuật, vừa là ngọn hải đăng.
- Viện Hải dương học Nha Trang: Nơi nghiên cứu sinh vật biển lớn nhất Đông Nam Á. Với hàng nghìn loài sinh vật biển và các mẫu vật quý hiếm, bạn sẽ có cơ hội mở rộng kiến thức cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của biển cả.

Lưu ý khi đến tháp Bà Ponagar Nha Trang
Một số lưu ý hữu ích giúp bạn có chuyến tham quan tháp Bà Ponagar Nha Trang trọn vẹn:
- Hãy thể hiện sự tôn trọng bằng cách giữ thái độ trang nghiêm, không nói tục, chửi thề hoặc có những hành vi thiếu văn minh.
- Tránh bình luận khiếm nhã về các tượng thần, kiến trúc hoặc nghi lễ đang diễn ra.
- Không mang thức ăn, đồ uống từ bên ngoài vào khu di tích.
- Tuyệt đối không xả rác bừa bãi, hãy bỏ đúng nơi quy định để giữ gìn cảnh quan sạch đẹp.
- Hạn chế chạm vào các hiện vật, di tích để tránh gây hư hại.
- Hãy thoa kem chống nắng, đội mũ, đeo kính râm và mang theo ô để bảo vệ làn da cũng như sức khỏe.
- Nên chọn giày dép thoải mái để dễ dàng di chuyển trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích.
- Nếu bạn muốn vào điện thờ để thắp hương, hãy mặc trang phục kín đáo, lịch sự. Trong trường hợp bạn mặc trang phục chưa phù hợp, bạn có thể mượn áo choàng tại khu vực tháp chính.
- Đọc kỹ và tuân thủ các bảng chỉ dẫn, thông báo tại khu di tích.
- Đi theo lối đi dành cho khách tham quan, không tự ý đi vào các khu vực cấm.
- Giữ trật tự khi tham quan, không gây ồn ào để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Nên đến viếng thăm và check in vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh nắng nóng.
- Cẩn thận tư trang cá nhân, tránh bị móc túi hoặc mất cắp.
- Nếu bạn đi cùng trẻ em, hãy chú ý trông nom các bé cẩn thận.

Lời kết
Chuyến du lịch Nha Trang của bạn sẽ thiếu sót nếu chưa đến viếng thăm tháp bà Ponagar - quần thể kiến trúc Chăm Pa cổ huyền bí. Hy vọng với những chia sẻ ngắn gọn trong chuyên mục Blog của donatourist.com sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích cho hành trình khám phá Nha Trang sắp tới. Còn chần chừ gì nữa, liên hệ với Donatourist để đặt tour Nha Trang, lên lịch trình du lịch phù hợp nhất cho bạn và gia đình.